PSO
ĐĐ. Thích Chánh Thuần thuyết giảng chủ đề: “Oai nghi căn bản của cư sĩ Phật tử”
PSO - Người Phật tử mới bước chân vào đạo, sau khi Quy y Tam Bảo làm người con Phật là thời khắc thiêng liêng để chính thức được trở thành người Phật tử tại gia, được học giáo pháp của đức Phật và đặc biệt là được học những phép tắc cơ bản của người Phật tử khi đi chùa cũng như ở nhà để rồi nương theo đó để thực hành. Để hiểu rõ hơn về những “Oai nghi căn bản của cư sĩ Phật tử” các học viên là cư sĩ Phật tử đã được ĐĐ. Thích Chánh Thuần – Giáo thọ sư Khoá đào tạo Cao cấp giảng sư phía Bắc thuyết giảng tại khóa tập huấn: Học pháp online “Phật học cơ bản” do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com vào ngày 04/8/2021 (nhằm ngày 26/6 năm Tân Sửu).
Những phép tắc cơ bản cơ bản của người cư sĩ Phật tử cũng như cách xưng hô của người Phật tử. Thông qua đó giúp quý Phật tử có thêm những tư lương về Phật pháp. Đại đức đã chia sẻ 3 nội dung cơ bản của người Phật tử nắm được đó là: Cách gọi quý thầy 3 miền và PG Nam Tông; Cách xưng hô với quý thầy 3 miền và PG Nam Tông; Phép tắc cơ bản của người Phật tử để đến chùa ứng xử cho phù hợp với chùa, địa phương…
Cách gọi quý thầy 3 miền và PG Nam Tông: Khi đến chùa gặp thầy chào: Đối với Phật giáo miền Bắc: “A Di Đà Phật - bạch Thầy bố thí con đến chùa ạ”; Phật giáo miền Trung: “Bạch Thầy con mới (về/đến) chùa ạ!; Phật giáo miền Nam: “Bạch Thầy con mới (về/đến) chùa ạ!/ Mô Phật, con chào thầy ạ”; Phật giáo Nam Tông: “Kính bạch Sư phụ (Đại đức, Ngài) hôm nay con đến chùa ạ”; Khi chào Thầy về: Đối với Phật giáo miền Bắc:“A Di Đà Phật - bạch Thầy bố thí con xin về ạ”; Phật giáo miền Trung: “Thưa/Bạch thầy c xin phép về ạ”; Phật giáo miền Nam: “Mô Phật, bạch Thầy con xin phép về ạ! Mô Phật, chào thầy con về ạ”; Phật giáo Nam Tông: “Kính bạch Sư phụ (Đại đức, Ngài) con xin phép về”; Mời thầy ăn cơm buổi sáng và buổi trưa: Đối với Phật giáo miền Bắc:“A Di Đà Phật - con thỉnh Thầy thụ trai ạ”; Phật giáo miền Trung:“Bạch (thưa) thầy con thỉnh thầy chứng cơm(mời thầy chứng cơm)”; Phật giáo miền Nam: “Con thỉnh Thầy thọ trai ạ/”; Phật giáo Nam Tông: “Chúng con xin kính dâng thực phẩm với lẽ đạo này đến chư Tăng”…
Cách xưng hô với quý thầy 3 miền và PG Nam Tông: Phật giáo miền Bắc: Tỳ khiêu Tăng/Thầy/Sư ông. Tỳ khiêu Ni: Thầy/ Sư Thầy/ Sư già. Sadi Tăng: Sư bác/ Bác. Sadi Ni: Sư bác/ Bác. Chú tiểu: Chú tiểu; Phật giáo miền Trung: Đại đức/ Thầy. Tỳ khiêu Ni: Sư cô. Sa di Tăng: Chú. Sa di Ni: Cô; Chú tiểu: Điệu/Đúng pháp; Phật giáo miền Nam: Đại đức/ Thầy. Chú tiểu: Điệu; Phật giáo Nam Tông: Đại đức. Tỳ khiêu Ni: Tu nữ. Sadi Ni: Chú tiêu. Chú tiểu: Chú tiểu.
Phép tắc cơ bản của người Phật tử: Người Phật điều đầu tiên phải: Kính Phật: Phật tử thấy hình tượng Phật đều phải chỉnh trang y phục, chắp tay cúi đầu lễ; Khi vào trong Phật điện không được mang theo túi xách, nón, mũ; Thấy tượng Phật, kinh sách để nơi bất tịnh phải để vào nơi thanh tịnh sạch sẽ; Tranh tượng Phật không được để ở nơi phòng ngủ, nơi thiếu trang nghiêm; Không được dắt tiền lên thân, tay, mũ, tai, …. các vị tượng. Cúng tiền nên cho vào hòm công đức; Phải giữ cho thân thể sạch sẽ mới lễ Phật, tụng kinh; Không nên đeo tượng Phật trên cổ, trên tay (vì mồ hôi cơ thể tiết ra dính lên tượng Phật là kính Phật; Không được đi giày, dép vào nơi thờ tự; Người khác đang lễ Phật, tụng kinh không được đi qua trước mặt họ.
Kính Pháp: Không được nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm xấp đọc kinh sách; Không được để kinh sách ở chỗ bất tịnh, dơ bẩn; Đọc kinh Phật phải mặc áo dài của người Phật tử; Nếu đeo tràng hạt ở tay, khi đi vệ sinh hoặc làm những việc bất tịnh, không được sạch sẽ phải tháo tràng tay ra; Không được chê người khác tụng kinh dở, tụng kinh tiếng không hay; Tụng kinh phải thong thả, rõ nghĩa, rõ câu; Không được kẹp kinh sách ở nách; Không được để kinh sách dưới cốp xe máy, xe đạp điện; Không được nghe điện thoại, sử dụng điện thoại khi đọc kinh, nghe pháp. Nên để điện thoại ở chế độ im lặng, hoặc chế độ rung; Không được nói chuyện riêng, ồn ào khi nghe pháp, khi tụng kinh; Đọc, tụng kinh sách gì của Phật giáo nên bạch với chư Tăng. Chư Tăng sẽ hướng dẫn Phật tử đọc những kinh sách của chính tín Phật giáo; Chắp tay lễ Phật, Pháp, Tăng chẳng được mười ngón so le nhau, chẳng được để trống giữa, chẳng được đưa tay trước miệng, không được vái như bổ củi, mà chắp tay ngang bằng trước ngực, khi phải lễ phải trang nghiêm, cung kính; Khi lễ Phật, bao giờ nghe thấy tiếng chuông mới được ngẩng đầu lên.
Kính Tăng: Thấy chư Tôn đức Tăng, Ni đi qua phải đứng dậy chắp tay niệm Phật; không được gọi thẳng tên pháp danh của chư Tôn đức Tăng Ni. Mà phải gọi là: Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Sư cô, …; không được nghe những vị xuất gia tụng giới, làm lễ bố tát; Khi đến chùa không được tự tiện vào phòng của chư Tôn đức Tăng Ni. Muốn vào phòng phải đứng ngoài chắp tay niệm Phật xin phép; Cư sĩ Phật tử không nên kể tội, nói lỗi, nói xấu, tuyên truyền lỗi lầm của người xuất gia làm cho người đời suy giảm niềm tin Phật pháp. Nếu thấy Tăng Ni có lỗi nên đến bạch với chư Tôn đức Giáo hội. Lỗi của Tăng Ni do chư Tăng cử tội; Khi đi đường gặp người xuất gia nên chắp tay niệm Phật chào; Nếu đang cầm đồ trên tay, đang chấp tác thì không nên chắp tay chào chư tôn đức. Chỉ khẽ cúi đầu niệm Phật là được; trước người xuất gia phải ăn mặc kín đáo, không được mặc quần áo cộc, không nói bậy, nói tục, chống nạnh, ngồi xổm, ngồi vắt chân chữ ngũ, ngồi gác chân lên ghế, ngồi chỗ cao hơn.
Hiếu kính cha mẹ: Cư sĩ, Phật tử phải hiếu kính, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ; Không được nói năng thiếu lễ độ, khinh mạn cha mẹ; Nhận thấy cha mẹ có điều sai trái phải khuyên răn cha mẹ; Nếu cha mẹ chưa biết Phật pháp phải hướng dẫn cha mẹ tu học theo Phật pháp.
Đến lễ chùa: Khi đến lễ chùa bình thường như đến lễ ngày Rằm, mùng Một hoặc là đến chùa lễ tự mình lễ, tự mình cầu cái gì đó, thì cần phải chào thầy và xin thầy lên lễ chùa rồi mới được lễ. Phải đến trước thầy đứng chắp tay bạch: “A Di Đà Phật, bạch thầy bố thí con đến chùa. Bạch thầy bố thí con lễ Phật/ A Di Đà Phật, bạch thầy con xin phép về chùa. Bạch thầy con xin phép lễ Phật ạ!”. Nếu không xin thầy, mà tự ý lên lễ chùa, là không tôn trọng Thầy trụ trì.
Đánh chuông mõ, lên hương: Nếu chưa xin phép thầy, không được tự ý đánh chuông, mõ, lên hương. Nếu muốn thắp hương bạch: “A Di Đà Phật - bạch Thầy bố thí con xin được lên hương ạ/ - bạch Thầy con xin phép được dâng hương, lễ Phật ạ”. Nếu muốn đánh chuông mõ bạch: “A Di Đà Phật - bạch Thầy bố thí con xin lên chuông mõ ạ/ bạch Thầy con xin phép thỉnh chuông mõ ạ”.
Trang phục khi đến chùa: Cần mặc trang phục có tính chất nghiêm trang, không nên mặc quần đùi, váy ngắn đi vào chùa lễ.
Giày, dép khi đến chùa: Không nên đi giày, dép vào những nơi thờ tự, cho dù nơi đó không có bảng báo hiệu “để giày, dép bên ngoài”; Khi vào nơi thờ tự cần để giày, dép ngay ngắn ở bậc, cửa. Để mũi giày, mũi dép nhìn vào ban thờ; Nếu cửa, hoặc bậc không trực diện với ban thờ, thì xếp mũi dép, mũi giày quay ra ngoài.
Đồ lễ: Đồ lễ của mình bày lên ban thờ của chùa lễ rồi, không được tự ý hạ lễ. Vì đồ mình bày lễ lên Tam Bảo, về nguyên tắc là mình dùng đồ lễ đó để lễ Phật, cúng Phật, thì đồ lễ này thuộc về của Tam Bảo. Nếu tự ý mình hạ mà không xin phép thầy trụ trì thì mắc vào tội ăn trộm của Tam Bảo. Do vậy, khi mình muốn hạ lễ, xin lộc về, thì khi mình đến lễ, xin lên chùa lễ mình bạch: “A Di Đà Phật, bạch Thầy bố thí con lên chùa lễ. Bạch Thầy, con lễ xong, Thầy bố thí cho con xin được. hạ lễ, xin lộc ạ”.
Mời Thầy về lễ: Muốn mời Thầy về lễ cho gia đình, cần phải có lễ thỉnh Thầy. Sau khi Thầy giúp việc xong, không nên tạ lễ ở nhà, mà phải mang lễ ra chùa lễ tạ; Khi bạch lễ Thầy, thỉnh thầy ngồi, mình chắp tay đứng bạch thầy (Theo đúng uy nghi người Phật tử, thì người Phật tử phải quỳ bạch, nhưng tùy nơi, phương tiện Phật tử cũng có thể đứng bạch).
Mời các Thầy chùa, thầy cúng đến một chùa nào đó lễ: Phật tử không được tự ý mời thầy chùa, thầy cúng, …. đến chùa nào đó để lễ cho mình mà không được sự đồng thuận của Thầy trụ trì; Muốn mời Thầy chùa, hoặc thầy cúng nào đó đến chùa lễ cho mình, bắt buộc phải có sự đồng ý, hoặc ý kiến của Thầy trụ trì; Nếu chùa làng có công việc như khánh thành, vu lan, Phật đản, … Phật tử không được tự ý mời các Thầy chùa đến dự. Vì chỉ có Thầy trụ trì mới đủ tư cách để mời các Thầy chùa nơi khác đến.
Nói năng, đi đứng ở chùa: Đến chùa nói năng ở chùa phải hòa nhã, nhẹ nhàng; không nói to, ồn ào, không nói tục, nói bậy. Đi đứng nhẹ nhàng, không vừa đi vừa vung tay.
Đi xe đạp, xe máy vào chùa: Thông thường, đến cổng chùa phải xuống xe tắt máy. Nếu cổng chùa quá xa, có thể phương tiện đi qua cổng. Nhưng khi đến sân chùa, sân nhà tổ, hoặc sân nơi có nhà thờ tự bắt buộc phải xuống xe tắt máy, dắt vào; Tuyệt đối không nên phóng xe máy qua chùa, nhà tổ, nơi thờ tự.
Chỗ lễ của Phật tử: Khi Phật tử muốn tụng kinh trên chùa, không được ngồi tụng kinh ở bục lễ. Vì nơi này lễ chỗ hành lễ của các nhà sư. Phật tử nên dịch chuông mõ xuống phía dưới bục lễ, ngồi đó tụng kinh; Ở nhà tổ, Phật tử cũng không được lên chỗ sập lễ để ngồi tụng kinh ở đó.
Đi cửa nào vào nơi thờ tự ? Không nên đi cửa giữa, mà nên đi cửa hai bên. Nếu đi cửa bên phải thì bước chân phải trước, nếu đi cửa bên trái thì bước chân trái trước.
Vị trí của Phật tử ngồi khi vào nhà khách, nhà tổ: Khi Phật tử vào nhà tổ, nhà khách, không nên ngồi ngày vào bàn giữa, mà nên tự động ngồi bàn bên cạnh. Nếu thầy mời thì mới ra ngồi bàn giữa.
Không tự ý di chuyển đồ ở chùa: Phật tử không nên tự ý di chuyển đồ ở chùa, tự ý di chuyển đồ thờ tự.
Sinh hoạt trong chúng: Không được tranh chỗ ngồi của nhau, nên kính trên nhường dưới, tiếp dẫn người mới đến; Không được chê lộc ít nhiều, to nhỏ; Không được nói nói chuyện thị phi, gây chia rẽ, mất đoàn kết.
Trên đây là những“Oai nghi căn bản của cư sĩ Phật tử” với mong muốn cho hàng Phật tử tại gia có được những kiến thức cơ bản trong tu tập và hoàn thiện phong cách của người Phật tử chánh tin, kính tin Tam bảo, hộ trì Phật pháp. Các Phật tử khi nắm được những phép tắc cơ bản này sẽ luôn theo đó thực hành để hoàn thiện nhân cách của một người Phật tử tại gia và thành tâm cung kính với Phật, Pháp, Tăng để thân tâm luôn được an lạc và thập phần công đức.