PSO
ĐĐ.Thích Thiện Xuân thuyết giảng chủ đề “Quy y Tam bảo làm người con Phật” tại khoá Học pháp online “Phật học cơ bản”
PSO - Quy y Tam bảo là gì? vì sao phải quy y Tam bảo? Đối tượng nào thì quy y Tam bảo? Hiểu thế nào cho đúng về quy y Tam bảo? Muốn trở thành người con Phật theo đúng với quy tắc nhà Phật thì phải làm như thế nào?... đó chính là những câu hỏi được đặt ra và đã được ĐĐ. Thích Thiện Xuân – UVTT Ban Hoằng pháp Trung ương chia sẻ đến các học viên là cư sĩ Phật tử tại khóa tập huấn: Học pháp online “Phật học cơ bản” với chủ đề “Quy y Tam bảo làm người con Phật” trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com vào ngày 19/7/2021 (nhằm ngày 10/6 năm Tân Sửu).
Quy y Tam bảo là thuật ngữ về một nghi lễ đặc trưng của đạo Phật. Đây được coi như điểm khởi đầu mang tính định hướng, giác ngộ từ một người có cảm tình với đạo phật trở thành người Phật tử đúng pháp dưới ánh sáng, giáo lý Phật đà..Cuộc đời của Đức Phật là một mẫu mực tượng trưng cho mỗi người con Phật để suy niệm noi theo bởi niềm tin của trong tôn giáo rất quan trọng. Đức Phật một con người bình thường nhưng nhờ sự thực hành tu tập trong việc cầu đạo mà Ngài đã trở nên một bậc hoàn toàn tỉnh thức.
Là người con Phật, chúng ta cần phải biết về 10 danh xưng của Đức Phật để phát khởi tâm rung động chí thành khi nghe danh hiệu Ngài và trưởng dưỡng niềm tin sâu sắc vào bậc Thầy gốc của tất cả chúng sinh ở cõi Ta bà. Hình bóng của Ngài chưa từng vắng, Ngài liên tục trở lại với cuộc đời này dẫn dắt chúng sinh tu thành Phật dẫn dắt chúng sinh đi đến bến bờ giác ngộ. Chúng ta phát nguyện nương tựa Ngài, trong ánh từ quang của Ngài để cuối cùng trở về với Đức Phật trong mỗi người.1. Như Lai: “Như” có nghĩa là bất động, bất biến, không thay đổi, từ “Lai” có nghĩa là đến. Ngài đến với cuộc đời rất nhiều lần, tái sinh liên tục, nhưng đời nào kiếp nào Ngài cũng an trụ trong tự tính bất động của Ngài. Đối với Ngài, Như Lai – Lai Như luôn luôn có mặt trong nhau. 2. Ứng Cúng: “Ứng” có nghĩa là tương ứng hay ứng hợp, “Cúng” có nghĩa là cúng dàng. Như vậy, Ứng Cúng có nghĩa là bậc xứng đáng được thọ nhận cúng dàng. Việc cúng dàng đức Phật, điều quan trọng không phải là phẩm vật nhiều hay ít mà bạn phải có tâm chí thành. 3. Chính Biến Tri: “Tri” là cái thấy biết, là trí tuệ. “Chính biến” tức là cái biết chân chính. 4. Minh Hạnh Túc: “Minh” có nghĩa là trí tuệ, “Hạnh” là phúc đức và “Túc” là đầy đủ. “Minh Hạnh Túc” là một bậc thầy đầy đủ trí tuệ và phúc đức. Từ trí tuệ đó, Ngài tận tình cứu khổ, chia sẻ giáo pháp, giúp đỡ cho chúng sinh thoát khổ nên đây chính là phúc đức. 5. Thiện Thệ: “Thiện” là khéo, “Thệ” là đi trong ba cõi, nên Thiện Thệ là một bậc khéo đi trong ba cõi. Đức Phật tuy thị hiện đản sinh trong cuộc đời khổ não ác trược nhưng Ngài không hề bị trói buộc mà hoàn toàn tự tại đi lại trong ba cõi. 6. Thế gian Giải: Có nghĩa là bậc hiểu biết trọn vẹn về các cõi thế gian - ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Cõi Dục giới bao gồm địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, người, A tu la và trời Dục giới. Cõi Sắc giới là cõi trời dành cho những vị tu tập tứ thiền (sơ, nhị, tam, tứ thiền). Cõi Vô sắc giới là cõi trời dành cho những vị tu tập tứ không (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ). Đức Phật hiểu biết trọn vẹn, ngọn ngành của nhân quả, thấu suốt ba cõi cho nên gọi Ngài bậc Thế Gian Giải. 7. Vô thượng Sĩ: “Vô Thượng” có nghĩa là không có gì hơn. “Sĩ” tức là với nội đức tu tập từ bên trong, tích góp thiện hạnh từ nhiều đời.Đức Phật là bậc trí tuệ toàn tri, thấu đạt vạn pháp nên chúng ta tôn xưng Ngài là “Vô Thượng Sĩ”. 8. Điều Ngự Trượng Phu: “Điều ngự” là khả năng điều phục và chế ngự. “Trượng phu” để chỉ những bậc quân tử, hào hiệp, hành xử với tâm hy sinh mình cho mọi người, luôn thấy khổ cứu khổ, thấy những điều tai ương chướng mắt là sẵn sàng xả thân để trợ giúp. 9. Thiên Nhân Sư: Danh hiệu này có nghĩa là bậc Đạo sư của cõi Trời Dục giới và cõi Người. Chỉ có loài người mới đủ trí tuệ để tôn thờ Ngài là bậc Thầy và theo được con đường giáo hóa của Ngài. 10. Phật Thế tôn: Sự giác ngộ của Phật gồm ba cấp độ: tự giác ngộ; giác tha đem sự giác ngộ của mình đi chia sẻ với mọi người; giác hành viên mãn có đầy đủ năng lực trí tuệ được vẹn toàn viên mãn.
Là người con Phật, chúng ta quay về nương tựa ba ngôi Tam bảo: Phật – Pháp – Tăng và quy y Tam bảo. Người đến quy y tam bảo, phát bồ đề tâm điều đầu tiên sửa soạn thân tâm, thành tâm đến quy y tam bảo. Trước khi quy y phải tự thân mình tìm hiểu và cảm nhận được những giá trị cao đẹp của đạo Phật rồi nguyện nương tựa và thực hành theo. Và chỉ có như vậy, tín đồ đó mới chính thức trở thành một phật tử đúng pháp. Khi Phật tử quy y vào Tam Bảo, không phải quy y một cá nhân, một vị tăng mà là phát nguyện, được thầy làm lễ quy y chứng minh trước Tam Bảo, nương tựa vào ba đức tính sáng suốt, chân thật và thanh tịnh (Phật – Pháp – Tăng).
Khi quy y “Phật”, người phật tử đã chiến thắng được chính bản thân mình, và là bước chân cảm ngộ đầu tiên của một con người trên đường đạo. Bởi Phật pháp hướng con người đến gần hơn với sự an lạc. Khi phát nguyện trước Tam bảo phải luôn tự trau dồi đạo đức của bản thân bằng cách phát nguyện thọ trì năm giới cấm (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say rượu) bản thân vì thế mà tránh được ác nghiệp. Tuy nhiên, sau khi quy y Tam bảo, được thầy bổn sư sẽ trao truyền 5 giới và tùy tâm của mỗi phật tử mà tự phát nguyện nhận lãnh (1, 2 giới hoặc hết cả 5 giới) để tuân thủ trong đời sống hàng ngày.
Quy y “Pháp” là học giáo lý, giáo pháp, những lời dạy của đức Phật về nhân sinh quan, thế giới quan và phương pháp hành trì. Nương tựa vào chánh pháp Như Lai….để hướng tới cuộc sống an lành và tiến tới giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Quy y “Tăng” là nương vào tăng đoàn (từ 4 người trở lên), hòa hiệp chúng hay Thanh tịnh chúng theo phép lục hoà. Bởi Tăng là những vị giới hạnh trong sạch, đã lìa bỏ mọi thú vui vật chất, có thể thay thế cho Phật để dẫn dắt chúng sanh đi trên đường đạo.
Tóm lại, quy y Tam Bảo làm người con Phật là thời khắc thiêng liêng để chính thức được trở thành người Phật tử tại gia, được học giáo pháp của đức Phật để rồi nương theo đó để thực hành, được nương tựa vào ba ngôi báu của nhà Phật. Bởi Phật, Pháp, Tăng là chỗ nương tựa để thoát khổ, là nền tảng để người người con Phật phát triển những nấc thang thiện lành, được tiếp nhận cương lĩnh về cách sống đạo đức dựa theo năm giới mà đức Phật truyền lại để biết cách tự tạo ra và gìn giữ phước báu cho riêng mình, để cuộc sống trở nên an vui, bình an ở hiện tại và những kiếp sống về sau.