Hồ Thuỷ
NS. Thích Nữ Đồng Hoà thuyết giảng “Giới thiệu khái quát Tịnh độ tông”
PSO - Vào lúc 20h tối ngày 12/8/2021 (nhằm ngày 05/7 năm Tân Sửu), NS. Thích Nữ Đồng Hoà - Uỷ viên Phân ban Đào tạo Giảng sư- Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN thuyết giảng: “Giới thiệu khái quát Tịnh độ tông” cho các học viên là cư sĩ Phật tử tại khóa tập huấn: Học pháp online “Phật học cơ bản” trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com.
Tịnh độ là một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với người Phật tử tại nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… Giáo nghĩa Tịnh độ tông thuộc hệ tư tưởng Đại thừa và xuất hiện vào thời kỳ Phật giáo Phát triển. Phật giáo Phát triển (Đại thừa) đa dạng hóa đường lối tu tập nên có những pháp môn chú trọng tha lực, tức nhờ vào Phật lực mà thành tựu đạo quả hoặc vượt thoát khổ đau, lý tưởng như pháp môn Tịnh độ. Vì vậy, Tịnh độ tông là một đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh về một đời sống vĩnh cửu và hoàn toàn giải thoát khổ đau cho con người.
Lịch sử và sự truyền thừa Tịnh độ tông: Lý thuyết Tịnh độ được phát triển ở Ấn Độ, là một đường lối tu tập nhưng không thiết lập tông phái, chỉ khi các kinh điển Tịnh độ truyền qua Trung Hoa thì Tịnh độ mới trở thành tông phái. Phật giáo truyền vào Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ I cho đến đầu thế kỷ thứ II nhưng những kinh luận thuộc giáo nghĩa Tịnh độ phải đến thế kỷ thứ III mới xuất hiện. Vào thời Ngụy (250), ngài Khang Tăng Ngãi (Sanghavarman) dịch kinh Vô Lượng Thọ, cư sĩ Chí Khiếm (thời Tôn Quyền) dịch bộ Đại A Di Đà kinh. Đến đời Diêu Tần (thế kỷ IV), ngài La Thập dịch Phật thuyết A Di Đà kinh, còn gọi là tiểu kinh A Di Đà, ngài Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) dịch Tân Vô Lượng Thọ kinh, Quán Phật tam muội kinh. Ngài Trí Nghiêm dịch Tịnh độ tam muội. Thời Lưu Tống (thế kỷ V), ngài Cương Lương Da Xá (Kàlayàsas) dịch Quán Vô Lượng Thọ kinh, ngài Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ VI) dịch Vô Lượng Thọ kinh luận. Đặc biệt, ngài Thế Thân trước tác Vãng sinh Tịnh độ luận..., đến đây giáo nghĩa Tịnh độ tông tương đối hoàn chỉnh. Ba tác phẩm được xem là nền tảng của Tịnh độ tông là kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, cộng thêm tác phẩm Vãng sinh Tịnh độ luận của Thế Thân. Lịch sử truyền thừa của Tịnh độ tông không theo đường lối thông thường là người trước truyền cho người sau như các tông phái khác, mà chỉ căn cứ vào sự đóng góp nhiều ít công cuộc xiển dương giáo lý Tịnh độ.
Giáo nghĩa Tịnh độ tông: Tịnh độ tông lấy 3 bộ kinh và 1 bộ luận làm nền tảng cho tư tưởng của mình: Kinh “Vô Lượng Thọ” nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát nguyện 48 lời nguyện để cứu độ chúng sinh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép quán tưởng niệm Phật, Kinh A Di Đà miêu tả thế giới Cực lạc đẹp đẽ trang nghiêm có Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ của ngài Thế Thân tán thán và giảng về ý nghĩa của ba bộ kinh trên. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì giáo lý Tịnh độ đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết cho hoàng hậu của nước Kosala là Videhi. Bà bị chính con trai bà giam lỏng và chán nản vô cùng trước cảnh thế thái nhân tình. Bà cầu mong Đức Phật cứu giúp vượt qua nỗi khốn khổ này, Đức Phật đã xuất hiện và giới thiệu các quốc độ chỉ có an lạc không có khổ đau, bà chọn cõi Phật A Di Đà. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy cho bà phương pháp niệm danh hiệu Phật để được vãng sinh về cõi Cực Lạc.
Đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ của thế giới Cực lạc. A Di Đà là danh từ dịch âm của Amitàbha, dịch nghĩa là Vô lượng quang, còn Amitàyus là Vô lượng thọ. Theo kinh Vô Lượng Thọ thì Đức Phật A Di Đà từng là một nhà vua. Sau khi ngộ đạo, Ngài phát tâm xuất gia và trở thành vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng (Dharmàkara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và phát nguyện độ hết chúng sinh trong cõi Cực lạc của mình. Ngài lập 48 lời nguyện giúp chúng sinh giải thoát. Qua nội dung 48 lời nguyện cho thấy con đường tu tập Tịnh độ dựa vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và nhất tâm niệm Phật là con đường tu dễ nhất, đó là lý do tại sao Tịnh độ tông được truyền bá rộng rãi nhất. 1. (Tín) Niềm tin: Đây là điều kiện tiên quyết, không có niềm tin hay niềm tin không đủ mạnh thì không thể tu Tịnh độ được. Sự tin tưởng là nền tảng khởi lên ước muốn và hướng tâm về thế giới Cực lạc. Như tất cả các pháp môn khác, niềm tin là mẹ của các thiện pháp và phát sinh công đức; 2. (Hạnh) Hành trì: Khi tâm nguyện hướng về Tịnh độ thì mọi hành động, ngôn ngữ đều được tu tập liên tục, nghĩa là thực hành phương pháp niệm Phật, quán tưởng... đều đưa đến hợp nhất thân, khẩu, ý, không để cho các đối tượng của trần gian lôi kéo làm tâm bị tán loạn; 3. (Nguyện): Nguyện lực hay tâm mong muốn: Niềm tin ổn định sẽ đưa đến ước muốn vãng sinh gọi là ước nguyện. Mọi hoạt động tâm lý đều hướng về Tịnh độ, mọi ước muốn đều được kích thích bằng sự nhàm chán đối với đời sống uế trược và bất an này. Với lời nguyện mạnh mẽ từ bỏ uế độ vãng sinh Tịnh độ, mong có khả năng để cứu độ chúng sinh. Tâm nguyện như vậy mới tương ứng với tâm nguyện của Tịnh độ, mới có cảm ứng với Phật và Thánh chúng ở Cực lạc.
Phương pháp niệm Phật: Mục đích của pháp niệm Phật A Di Đà là đưa đến nhất tâm, chế ngự mọi vọng tưởng của tâm. Niệm Phật là thực hành chính niệm. Có bốn cách: 1/ Trì danh niệm Phật: Niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc niệm thầm hoặc phát âm thanh; 2/ Quán tượng niệm Phật: Niệm Phật và chăm chú nhìn vào tượng Phật, thấy rõ tướng tốt của Phật, hoặc tướng tốt của các Bồ tát và Thánh chúng; 3/ Quán tưởng niệm Phật: Quán tưởng hình ảnh của Đức Phật A Di Đà cho đến khi thấy được linh ảnh của Đức Phật; 4/ Thật tướng niệm Phật: Niệm Phật đạt đến chỗ vô niệm, không còn chủ thể và đối tượng. Pháp quán này mang sắc thái Thiền hơn là Tịnh độ cho nên không phổ biến được.
Chư Tổ xưa còn đưa ra 4 sắc thái niệm Phật khác: 1/ Hòa hoãn niệm Phật: Là niệm từ từ không cần gấp, không nôn nóng, chỉ cần bền bỉ, có thể vừa làm việc vừa niệm Phật, không cần “tu mau kẻo trễ”; 2/ Truy đỉnh niệm Phật: Là đưa câu niệm Phật nằm trên đỉnh cao của dòng tâm thức, nghĩa là niệm Phật luôn hiện tiền, không bị chi phối bởi công việc, quyết chí cao, ấn định thời gian và cần có kết quả rõ; 3/ Thiền định niệm Phật: Là trụ tâm vào định rồi sử dụng tâm định ấy mà niệm Phật; 4/ Tham cứu niệm Phật: Là cách niệm Phật ảnh hưởng thiền công án, như nêu câu hỏi, Niệm Phật là gì?
Pháp môn Tịnh độ có mặt tại Việt Nam: Sự du nhập và phát triển của tín ngưỡng Tịnh độ tại Việt Nam: Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam; Pháp môn niệm Phật đã được đề cập trong Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội dịch sang chữ Hán. Ngay từ rất sớm, vào trước thế kỷ thứ III, trong khuynh hướng tư tưởng Phật giáo Đại thừa được giới thiệu ở nước ta, người Phật tử Việt Nam cũng đã bước đầu được tiếp xúc với tín ngưỡng Tịnh độ (A Di Đà Phật).Vào khoảng năm 423, sư Đàm Hoằng, một vị Tăng người Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh độ với ước nguyện vãng sinh Cực Lạc, đến việt Nam tu học tại nước ta truyền bá. Ngài ở tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), chuyên hành trì kinh Vô lượng thọ và Quán Vô lượng thọ. Như vậy, có thể nói rằng, ở thế kỷ thứ V, pháp môn Tịnh độ đã phát triển và trở thành một trào lưu tại nước ta. Từ giữa thế kỷ thứ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh độ được phổ biến rộng rãi.
Đặc biệt là vào thời vua Lý Thánh Tông (1023-1072), nhà vua tuy thuộc thế hệ thứ nhất dòng thiền Thảo Đường, nhưng đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà độc đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của nước ta. Từ giai đoạn này trở về sau, trên phương diện tín ngưỡng, trào lưu Tịnh độ đã thật sự có một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân ta. Đến đời Trần, các nhà tư tưởng lớn như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông cũng bàn đến vấn đề niệm Phật. Tư tưởng Tịnh độ với quan niệm về Đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của Ngài cũng được đặt ra trong các kỳ thi tuyển nhân tài do triều đình tổ chức như qua bài thi của tiến sĩ Lê Ích Mộc (1459-?), kỳ thi năm 1502. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân tông chủ trương cũng có nói về Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc.
Theo quan niệm Tịnh độ của người Phật tử Việt Nam mang những điểm đặc thù, dẫu có sự ảnh hưởng nhưng vẫn khác biệt so với Tịnh độ tông của Trung Hoa và Nhật Bản. Đó là Tịnh độ tông không đứng biệt lập, không hề xảy ra những tranh luận với các hệ tư tưởng khác hoặc đấu tranh trong tự thân nó để phát triển. Trong sách Khoá hư lục, Trần Thái Tông đã có hẳn một đề mục là “Niệm Phật luận”, “Lục thời sám hối khoa nghi” bàn về những lợi ích của phương pháp niệm Phật. Tự tính Di Đà và Tịnh độ được Trần Thái Tông quan niệm chỉ có ở ngay hiện tiền, trong tâm của con người này mà không phải thuộc một quốc độ khác tồn tại ngoài thế gian. Từ thế kỷ XVII trở đi, tư tưởng Tịnh độ tông Trung Hoa cũng đã được giới thiệu và truyền bá ở nước ta, bắt đầu là sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644) với tác phẩm Bồ đề yếu nghĩa, Minh Châu Hương Hải với A Di Đà kinh sớ sao, tư tưởng của ngài Châu Hoằng qua sự giới thiệu của sư Chân Nguyên. Những mô tả về sự toàn thiện của thế giới Cực lạc.
Tóm lại, khái quát về Tịnh độ ở nước ta dẫu có một lịch sử lâu dài nhưng không tự thân phát triển thành một tông phái, không có vị trí độc lập, tách biệt với các pháp môn khác; đồng thời cũng không phong phú trong lý luận và phương pháp thực hành như Tịnh độ tông Trung Hoa hay Nhật Bản. Ở phương diện lý luận, Đức Phật A Di Đà chủ yếu được quan niệm như một mẫu hình con người lý tưởng tuyệt đối và phương pháp thực hành nổi bật gần như duy nhất là phương pháp niệm Phật.
Như vậy Tịnh độ tông chú trọng vào niềm tin của cá nhân và sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Pháp tu chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A Di Đà và quán tưởng đến thế giới Cực lạc. Đây là một tông phái được phổ biến rộng rãi nhất và cũng được nhiều tông phái khác phổ biến và hành trì. Pháp môn niệm Phật là con đường tu tập khá phù hợp với nhiều căn cơ khác nhau. “Người niệm Phật có ba bậc: Bậc thượng, bậc trung và bậc hạ”. Ba hạng người trên đây sâu cạn khác nhau nhưng mục đích và kết quả là một. Bậc hạ trí lối tu lấy niệm Phật làm nấc thang bước từng bước vững chắc được qua nước Phật rồi thì chí nguyện sẽ thành. Vậy muốn thành tựu cái siêu việt phải bắt đầu bằng cái đơn giản.