Hoằng Pháp Online

TT.Thích Thiện Thuận thuyết giảng “Nghệ thuật thuyết giảng và diễn thuyết” tại khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0

PSO - Chiều ngày 16/7/2021 (nhằm ngày 07/6 năm Tân Sửu), các học viên của khoá 1 - Tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức đã được nghe TT. Thích Thiện Thuận - UVTT Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Hoằng pháp PG tỉnh BR-VT thuyết giảng nội dung: “Nghệ thuật thuyết giảng và diễn thuyết” trên địa chỉ học trực tuyến trungtam.hoangphaponline.com. Mở đầu bài giảng, TT. Thích Thiện Thuận nhấn mạnh: Một giảng sư, nhà hoằng pháp cần phải thành thục trong kỹ năng thuyết giảng và kỹ năng diễn thuyết trước công chúng. Trong thời đại công nghệ 4.0 này, Tăng Ni có nhiều cơ hội để thuyết giảng đến với thính chúng, vì vậy kỹ năng giao tiếp, thuyết giảng, trao đổi những thông tin cần phải được trú trọng. Người giảng sư muốn thành công thì phải có kỹ năng và nghệ thuật diễn thuyết (trên pháp toà hay tham gia các diễn đàn…). Khi diễn thuyết, các giảng sư sẽ tìm thấy được sự tương thông của người nghe, nắm bắt, hiểu thấu được những điều mình trình bày. Còn nếu như giảng sư nói với người đối diện mà họ không tương tác tốt, hay không tương thông quan điểm cùng thì cần phải xem lại cách diễn đạt, nội dung diễn thuyết của mình. Người giảng sư trong thuyết giảng, giảng dạy phải có bản lĩnh nghiệp vụ sư phạm, sự tự tin, nhạy bén và phân tích tình huống diễn ra tại nơi giảng để lựa chọn nội dung phù hợp gửi đến cho người nghe. Vì mỗi lần thuyết giảng là truyền đạt đến cho đại chúng về những giáo pháp, lời truyền dạy của đức Phật, thay đức Phật trình bày giáo lý của Ngài để thính chúng định tâm, làm mới cuộc sống của họ. Giảng sư phải thường xuyên luyện tập, rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ của mình. Vì vậy, kỹ năng diễn thuyết là điều rất quan trọng bởi nó quyết định sự thành công của buổi thuyết giảng. Không phải giảng sư có kiến thức, ngoại hình sẽ thuyết giảng thành công mà sự thành công của người thuyết giảng đó phải thuần thục được 3 nội dung chính sau: Tính sư phạm: Chúng ta làm chủ được buổi nói chuyện, dẫn dắt được thính chúng lắng nghe được nhiều nhất nội dung cần trình bày. Giảng sư tương tác với thính chúng bằng ánh mắt. Đó là lúc người thuyết giảng đang đón nhận những suy nghĩ của thính chúng là muốn lắng nghe, đón nghe và chờ nghe. Sự giao cảm của ánh mắt rất quan trọng, nếu chúng ta chỉ tập trung nhìn vào nội dung bài giảng thì sẽ bỏ qua sự tương tác của thính chúng. Để điều đó không xảy ra, giảng sư phải quan sát để cảm nhận được những biểu cảm hào hứng, vững tin hay nhàm chán mệt mỏi để kịp thời thay đổi nội dung cho phù hợp, như vậy mới có thể làm chủ được bài giảng của mình. Trong quá trình thuyết giảng, giảng sư nên thường xuyên đặt câu hỏi tương tác để xem các thính chúng có tiếp thu được nội dung, quan điểm trình bày hay không. Các kỹ năng tiên quyết trong bước thực tập làm khả năng diễn thuyết của mỗi giảng sư gồm có: Phong thái: Người giảng sư phải có phong thái oai nghi, nói dõng dạc, truyền cảm. Khi ngồi trên pháp toà, chúng ta biết tận dụng để toát lên thần thái ung dung, tự tại để truyền đạt những giáo lý vi diệu của đức Phật đến với thính chúng. Mỗi buổi hoằng pháp của một vị xuất gia thường cao hơn một vị học giả bởi niềm tin của các thính chúng liên tưởng đến hình ảnh thiêng liêng của vị thánh tăng, của đức Phật. Các thính chúng gửi gắm trọn tình cảm đối với giảng sư trong buổi nghe giảng. Vì vậy, giảng sư phải giữ thẫn thái oai nghi, đó chính là tấm gương phản chiếu để các thính chúng soi vào và thực hành. Ngữ điệu và biểu cảm: Rất quan trọng, “nhất thanh, nhì sắc”, nếu giọng nói không ấm, không ấn tượng thì chúng ta phải luyện tập. Ngữ điệu, (trầm, bổng, cao, thấp, nhanh, chậm..) phải học để nhấn nhá, điều chỉnh  cho phù hợp. Nếu chúng ta không nói được đúng tiếng chuẩn Hà Nội hay Sài Gòn thì chúng ta nói theo tiếng mẹ đẻ, nơi mình sinh ra nhưng phải rõ ràng (không đưa những từ địa phương đưa vào bài giảng). Ngôn ngữ trong sáng, thuần tuý, phổ thông, không dùng những ngôn ngữ có nghĩa bóng, không lành mạnh để truyền tải thông tin. Trong từng hoàn cảnh, bối cảnh khác nhau, khi trình bày ngữ điệu đúng lúc, đúng thời điểm thì người giảng sư sẽ trạm được đến trái tim của người nghe. Nếu trong quá trình giảng những điều bất cập ngoài ý muốn như âm thanh, tiếng ồn thì lúc này giảng sư phải thật bình tĩnh để xử lý, không nhíu mày, không nhắc nhở, thay vào đó, giảng sư ngồi nghiêm trang, im lặng, mắt nhìn vào bình hoa phía trước... Những biểu cảm của giảng sư trong những lúc như thế này có thể thu phục được nhân tâm của người nghe bởi đã gửi trọn được những tâm tư của giảng sư đến với thính chúng. Nếu như giảng sư không làm chủ được cảm xúc của mình sẽ biến thính chúng thành đối thủ, đối đầu. Vì vậy, biểu cảm gương mặt, ngôn ngữ cơ thể phải hết sức nhẹ nhàng, hạn chế vận động (tay không giơ quá cao, quá xa sẽ để lại góc nhìn không đẹp cho thính chúng), ánh mắt tránh nhìn xéo (bởi nếu nhìn xéo ánh mắt sẽ bị lệch).... Nếu muốn nhìn trái, phải chúng ta giữ nguyên thân và chỉ nghiêng đầu nhìn sáng trái, sang phải một cách từ tốn. Khi thuyết giảng phải có sự phối hợp tinh tế giữa cách phát âm, ngữ điệu và biểu cảm sẽ tăng lên tính thuyết phục khi truyền đạt nội dung đến người nghe. Cách giảng, các nói chuyện gần gũi, chân tình từ trái tim sẽ trạm đến trái tim giữa người giảng với người nghe. Tiếp đó, TT. Thích Thiện Thuận cũng nhấn mạnh với các học viên về nghệ thuật thuyết giảng. Một bài giảng hay đó là khi thính chúng tiếp nhận và thay đổi tư duy. Còn nếu một bài giảng dở đó là khi nội dung trình bày không thuộc điều mà thính chúng mong đợi. Vậy để có được bài giảng hay, giảng sư phải chuẩn bị 2 nội dung: Chọn lọc nội dung: cho phù hợp đối tượng, hoàn cảnh một cách kỹ càng. Vì khi thuyết giảng, giảng sư sẽ tiếp cận đến các đối tượng không đồng bộ về trình độ, độ tuổi, kiến thức Phật pháp….. Vậy làm thế nào để lựa chọn nội dung phù hợp để tất cả thính chúng đều hiểu? Đối với những trường hợp như vậy, giảng sư nên lựa chọn những đề tài mang tính phổ thông để có thể phổ cập để tất cả các đối tượng tham dự có thể tiếp thu được. Bố cục (gồm mở đề, nội dung và kết luận): Phải chuẩn bị kỹ càng và trình bày bố cục rõ ràng, chặt chẽ. Nếu nhưng trong quá trình thuyết giảng, các thính chúng không tập trung, lúc đó giảng sư phải xem lại nội dung giảng của mình để kịp thời điều chỉnh. Mỗi một bài giảng nên để thời lượng 60 phút để bảo đảm năng lượng của giảng sư diễn thuyết và thính chúng tiếp nhận bài giảng…Trong quá trình giảng, luôn đặt câu hỏi, đưa ví dụ thực tế vào bài giảng để gợi cảm ứng người nghe. Giảng sư lập luận vấn đề càng đơn giản, trích dẫn cụ thể rõ ràng thì người nghe càng dễ ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày. Đúc kết lại bài giảng, Thượng toạ một lần nữa nhấn mạnh: Nghệ thuật thuyết giảng và diễn thuyết của người giảng sư không có nghĩa là trình bày những điều vĩ đại theo ý của người giảng sư mà chính là biết truyền cảm hứng cho người nghe, truyền tải những nội dung mà thính chúng muốn nghe một cách đơn giản và dễ hiểu đó chính là sự thành công.

PSO

Download iOS Download Android