PSO
TT.Thích Trí Chơn thuyết giảng: “Quán chiếu vô thường” tại khoá tập huấn Học pháp online “Phật học cơ bản”
PSO - Là người con Phật, khi có niềm tin với đức Phật, Quy quy Tam bảo rồi các Phật tử hãy sống thật tốt, sống trách nhiệm với cuộc đời của chính mình để sau này không phải hối tiếc. Chìa khoá để giúp cho người Phật tử mở cửa bước vào con đường giác ngộ đó chính là “Quán chiếu vô thường”. Đây cũng là chủ đề này đã được TT. Thích Trí Chơn – UV HĐTS, Phó ban Văn hoá Trung ương, UVTT Ban Hoằng pháp Trung ương thuyết giảng cho các học viên là cư sĩ Phật tử tại khoá Học pháp online “Phật học cơ bản” trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức vào lúc 20h ngày 27/7/2021 (nhằm ngày 18/6 năm Tân Sửu).
Xưa ông bà ta thường có những thuật ngữ gần gũi thiết thực để nói đến những biến chuyển vô thường trong cuộc sống như: “bãi bể nương dâu; như sương mai, bọt nước”….nói về sinh diệt dổi thay của nhân tình, thế thái, phù hợp với hoàn cảnh sống nhiều hơn. Hai chữ “Vô thường” khiến cho chúng ta luôn ghi nhớ và quán chiếu hàng ngày. Chưa bao giờ 2 chữ “Vô thường” gần gũi với chúng ta như bây giờ, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại Việt Nam và trên thế giới. Vô thường nằm ngay trong hơi thở, “Quán chiếu vô thường” tức là quán chiếu ngay hơi thở của chúng ta, giúp ta trân quý những gì đang có mặt và sống được sâu sắc mỗi giây phút của sự sống hằng ngày trôi qua. Vô thường là sự biến dịch thay đổi không cố định, biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, đang sống, đang chết bởi cái sinh, cái diệt liên tục xảy ra ngay cái thân và tâm của chúng ta. Khi bàn về vô thường chúng ta thường nói “đời là vô thường” tức là cuộc đời này bị chi phối bởi định luật “Vô thường”. Chính thân ngũ uẩn (đất, nước, gió, lửa, thức) cũng bị chi phối bởi định luật vô thường (sinh, lão, bệnh, tử). Vô thường là một định luật tất yếu của vạn pháp, nó biến đổi theo bốn chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không. Cho nên thân thể của con người cũng thế, ai sinh ra mà không già, bệnh, và chết. Thời gian của (vô thường) không hẹn một ai.
Vô thường là luôn luôn thay đổi, luôn luôn biến dịch, không bao giờ tĩnh. Các nhà khoa học luôn chứng minh đó là sự thật. Vô thường không phải học thuyết mà là một phép để quán, học tập, ý thức và thể nhập vô thường. Chúng ta hãy tu tập, quán chiếu để đạt được đạo quả. Đạo phật khác với các học thuyết tôn giáo khác trên thế giới đó là cái thấy vô thường đưa tới cái thấy vô ngã. Vô thường là một phép quán từ cá biệt đến tổng thể và ngược lại, không tồn tại và không đứng lại, để chúng ta tu, chúng ta học và quán chiếu. Vô thường là một pháp ấn và vô ngã cũng là một pháp ấn. Nếu chúng ta đi tìm an lạc thì phải đi qua 3 đặc tính: Nhất kỳ vô thường; Tương tục vô thường; Sát na vô thường.
Đặc tính thứ nhất: Nhất kỳ vô thường, con người chia trẻ ra từng mảng, từ chu kỳ (sinh ra, lớn lên, già và mất; Sinh, lão, bệnh tử; xuân, hạ, thu, đông). Con người từ khi cha mẹ sinh ra (sinh), rồi lớn lên, trưởng thành (trụ), thời gian sau bắt đầu già nua, bệnh tật (dị) và cuối cùng phải chết (diệt). Quá trình sinh, trụ, dị, diệt ấy là vô thường, diễn ra trong từng giây phút. Chúng ta lớn lên từng ngày cũng có nghĩa là chúng ta đã chết đi từng ngày, tức là chúng ta đang vô thường, thay đổi từ lúc sinh khởi đến khi kết thúc, và tiếp sang chu kỳ mới không dừng lại, không nghĩ ngơi đó gọi là nhất kỳ vô thường (biểu hiện hình tướng). Thường chúng ta sống với cái này là chính, cũng là vô thường nhưng vô thường của phép thế gian, có sinh rồi thì phải có diệt. Nếu vượt được ý niệm sinh diệt thì tiếp xúc được với cái vui của Niết Bàn. Bởi Niết Bàn và Sinh Diệt không phải là hai thực tại tách rời nhau.
Đặc tính thứ 2: Tương tục vô thường, luôn luôn trôi chảy, không ngừng nghỉ, bắt đầu cho cái này, cái kia nối tiếp nhau. Ta hôm nay đã không phải là ta hôm qua … con người sinh ra trên đời rồi cũng sẽ mất đi và dòng đời vẫn cứ trôi (VD: Từ cục đất, qua nhào nặn thành viên gạch, từ viên gạch thành bức tường…). Thân thể chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ phá vỡ được mất mát, già nua, bệnh khổ . Đứng về mặt thời gian, sự vật là vô thường, đứng về mặt không gian, sự vật là vô ngã. Vì sự vật biến chuyển không ngừng cho nên sự vật không duy trì được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó. Vô thường vì vậy là một tên khác của vô ngã. Vô thường cũng là Duyên khởi, vạn vật do nhân duyên nương vào nhau mà sinh khởi và tồn tại. Vô thường cũng có nghĩa là vô tướng (còn gọi là không) vì thực tại của vạn hữu thoát ra ngoài mọi khái niệm và ngôn từ đó chính là đặc tính của tương tục vô thường.
Đặc tính thứ 3: Sát na vô thường, Sát na là đơn vị của thời gian không thể đếm được. Trong thân thể của chúng ta từng tế bào sinh, diệt trong từng sát na. Dòng máu trong cơ thể con người, từng hồng cầu cũng thay đổi trong sát na. Những tế bào sinh ra chết đi thay thế những tế bào mới và sinh trưởng, khiến cho thân người cũng biến đổi theo già nua. Khi chúng ta nháy mắt đã có hàng trăm, hàng nghìn sát na. Đức Phật nhìn thấy trong mỗi sát na có sự dịch khởi, sự tiến chuyển và chuyển dịch. Sát na đi qua từng khoẳng khắc, cho chúng ta thấy tất cả sự vật trên thế gian không tồn tại. Một niệm khởi lên là bao nhiêu sát na, mà niệm khởi đó là không thực có. Học vô thường để thẩm thấu thực nghiệm sống và hoan hỷ với vô thường. Những sự vật hiện tượng đều mang tính tương đối, cái thấy vô thường đưa tới cái thấy vô ngã và tháo gỡ được cho ta tất cả các phiền não như tham, giận, kiêu căng…Hình ảnh để chúng ta dễ quán chiếu như quán hơi thở. Đức Phật dạy lấy hơi thở là đề mục để quán. Muốn có hơi thở phải có lỗ mũi, phải có vòm họng để hơi ra, có hơi ra phải có con tim để co bóp cho hơi thở bắt đầu vào, đang vào, hơi thở ra, hơi thở đang ra. Nếu như hơi thở ra mà không hít vào tức là chấm dứt sự sống. Và hơi thở tuỳ thuộc vào trái tim, phổi, họng…để ra, để vào…đó chính là sát na vô thường.
Trong phép quán vô thường chúng ta nhìn sự vật hiện tượng chuyển biến bên ngoài để đánh giá, nhưng đức Phật dạy là quán chiếu vô thường là quay vào quán chiếu danh (thọ, tưởng, hành, thức) và sắc (sắc thân). Nhìn thực tế vào ngũ uẩn để sinh khởi chúng ta sẽ thấy được vô thường đến vô ngã. Vô thường cũng là một phép thiền định. Cái thấy vô thường đưa tới cái thấy vô ngã và tháo gỡ được cho ta tất cả các phiền não như tham, giận, kiêu căng khiến cho tâm của con người cũng biến đổi vô thường, hết giận rồi thương, vui, buồn biến chuyển liên tục không phút giây ngừng nghỉ. Vô thường thay đồi liên tục và sự vật luôn trôi chảy, trong sự vật vô thường luôn luôn tuỳ thuộc, nương nhau, tương tác với sự vật hiện tượng khác. Đối tượng tương tác cũng vô thường mới có được sự an lạc, bình an. Có thể thấy phép quán vô thường cho chúng ta thấy được chân thường của giác tánh; Quán phép vô ngã thì thấy được thực tướng của thế gian; Quán thân bất tịnh thì thấy được nghiệp thân tương tục của chúng sanh; Quán thọ thị Khổ thì rời được bệnh luyến ái thân của chúng sanh.
Đức Thế Tôn nói giáo lý vô thường để chúng sinh thức tỉnh tu hành, để xóa bỏ bản ngã, đạt đến vô ngã. Vô thường là chìa khóa giúp cho chúng ta mở cửa giác ngộ, giúp chúng ta thấy rõ thực hư của cuộc đời để rồi từ đó chúng ta làm chủ khi đối diện với vô thường xảy ra để không đau khổ và tuyệt vọng. Quán vô thường giúp ta trân quý những gì đang có mặt và sống được sâu sắc mỗi giây phút của sự sống hằng ngày. Chúng ta vẫn thản nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh vô thường, đoạn trừ tâm tham ái, học giáo lý của đức Phật để áp dụng những lời Kinh, ý Phật để có đời sống tu tập chân chính. Chúng ta dẹp trừ cái bản ngã, cái tâm tham ái, ích kỷ để đem lại tâm thanh tịnh giải thoát khổ đau sinh tử bằng những việc làm có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, giúp cho ta biết quý trọng từng giờ phút của sự sống, biết sống trong tỉnh thức và chánh niệm.
https://www.youtube.com/watch?v=YFUARldjexY